Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

YOKOHAMA, phố cảng dậy lòng


Nhật Bản đã vào cuối Thu, lá cây bạch quả rắc vàng khắp đường phố chợt bay tung theo từng cơn gió se lạnh. Hôm nay là Thứ Bảy, ngoài những khu tham quan giải trí, Yokohama như chìm trong yên tỉnh sau 1 tuần nhộn nhịp tất bật. Các con tàu neo bến im lìm nghỉ dưỡng đợi giờ ra khơi dưới trời xanh và nước biếc đã tô đậm vẻ trữ tình của phố cảng.
Thế nhưng đằng sau sự yên bình êm ả đó, thành phố này đang đón nhận sự chăm chú của rất nhiều người quan tâm trên thế giới vào Hội Nghị thượng đỉnh 21 nền kinh tế châu Á Thái Bình Dương APEC bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ...đang được tổ chức tại đây.
    Tháng 9 năm nay sau khi viên thuyền trưởng trá hình trong một chiếc tàu đánh cá Trung Quốc ra lệnh đâm vào tàu tuần dương Nhật Bản tại vùng biển gần đảo Senkaku thì quan hệ Nhật Trung đã trở nên vô cùng căng thẳng. Chính sách giải quyết thiếu cứng rắn và bất nhất của chính phủ Nhật Bản đã tạo ra bất bình lan tràn trong dư luận khiến cho tỷ lệ ủng hộ Nội Các tụt xuống dưới 30% so với hơn 60% vào giai đoạn thành lập ban đầu.
    Senkaku là một quần đảo nhỏ bé ngoài khơi Tây nam Okinawa chứa đầy dấu tích sinh sống, làm ăn bằng nghề đánh bắt và gia công thịt cá ngừ của người Nhật từ những thế kỷ trước. Sau khi bại trận thế chiến thứ Hai, điều 3 của Hòa ước San Francisco (1951) đã qui định chủ quyền của Okinawa và các đảo chung quanh nằm dưới sự quản lý của Hoa Kỳ. Tháng 5, 1972 chủ quyền của Senkaku lại thuộc về Nhật Bản sau khi Okinawa được trao trả độc lập. Quần đảo nhỏ bé yên bình này chẳng bao lâu lại nổi cơn sóng dữ khi Trung Quốc bắt đầu đánh mùi tài nguyên dưới lòng biển cũng như tìm cách đâm tiến ra Thái Bình Dương theo nhu cầu bành trướng. Bằng lối nhập nhằng đánh lận con đen để sau đó đặt ngược tình thế trước một sự việc đã rồi như đã từng áp dụng trong việc cưỡng chiếm Hoàng Sa rồi Trường Sa, Trung quốc đã dần dà từ các bước thăm dò địa chất sau đó là khai thác khoáng sản rồi đến chiếm đóng các vùng biển đang trong vòng tranh chấp. Vụ đâm tàu tuần duyên được các bình luận gia Nhật xem như là một cú đánh nhử theo chiến thuật dương Đông kích Tây, thứ nhất là để lôi kéo làm lạc hướng dư luận từ diện của vấn đề thu nhỏ vào một điểm, thứ hai là để thăm dò phản ứng của chính phủ Nhật Bản và thứ ba quan trọng hơn cả là tìm hiểu thái độ của người dân Nhật trước xung đột lãnh hải này.
    Dựa vào những phân tích trên, Ủy ban Quốc dân hành động Nhật Bản, Hội nghiên cứu vấn đề sắc tộc tại Trung Quốc, Hội đồng Liên hiệp Nghị sĩ địa phương Nhật Bản đã phối hợp cùng cơ sở Đảng Việt Tân tổ chức tuần lễ Hội thảo, biểu tình phản đối Trung quốc xâm lăng biển Đông bắt đầu từ ngày 6 tháng 11. Đây là tuần lễ quan trọng đối với Nhật bản trong tư thế quốc gia đăng cai tổ chức hội nghị APEC tại thành phố Yokohama. Năng lực chính trị của chính phủ đứng đầu là thủ tướng Kan Naoto cũng sẽ được thử nghiệm trong đấu trường ngoại giao này trước các vòng đàm phán căng thẳng đặc biệt liên quan đến vấn đề bảo hộ nông nghiệp vốn là một chọn lựa "tiến thoái lưỡng nan" của Nhật Bản từ trước đến nay. Tuy nhiên, đứng trên tất cả quan hệ kinh tế, cuộc gặp riêng của 2 lãnh đạo Nhật Trung để khơi mào 1 giải quyết chính trị cho mối quan hệ đang xấu đi nhanh chóng giữa 2 nước là cao điểm thu hút sự chú ý nhiều nhất của trong cũng như ngoài nước. Chính vì thế việc chọn ngày 13.11 tại Yokohama với sự tham gia của trên 3.000 người tuần hành là quyết định thông minh và đầy cân nhắc của ban tổ chức nhằm phát ra những thông điệp mạnh mẽ chuyển thẳng đến bàn hội nghị.
    Thế giới đang từng ngày cố gắng xích lại gần nhau hầu tìm ra những giải pháp hợp tác để cùng phát triển và tiến bộ. Dẫu chưa thể kết luận được rằng các nổ lực này sẽ đem lại kết quả trong một sớm một chiều, tuy nhiên tiền đề quan trọng nhất vẫn là công khai đối thoại từng bước để đạt được sự tín nhiệm qua đó mà hình thành các quan hệ bền vững. Hành động khiêu khích trên biển Đông và Nam Trung hoa của Trung quốc đã tạo nên một rào cản khó khăn cho tiến trình hợp tác này. Điều cần phải nói ở đây là chiến thuật xé lẻ từng quốc gia một để lợi dụng sự to lớn của mình hòng dễ dàng lấn áp "cả vú lấp miệng em" của quốc gia hung hãn này cần phải được nhận rõ và tìm cách giải quyết bằng bài toán xin tạm gọi là "trong chia ngoài nối". Giành lại độc lập cho các quốc gia đã bị xâm lăng như Tây Tạng, Tân Cương, Nam Mông Cổ... để chia nhỏ Trung Quốc, mặt khác, hình thành một liên minh, hoặc ít nhất là tạo nên một thế liên kết các quốc gia trong khu vực để giải quyết bài toán lãnh thổ, lãnh hải theo từng giai đoạn. Đây cũng là công việc không đơn giản, thế nhưng bước đầu tiên, chắc chắn là phải làm mọi cách để quốc tế hóa vấn đề, xóa bỏ thế đánh lẻ lấn lướt của Trung Quốc rồi sau đó mới có thể đi vào các điểm chi tiết giữa chủ trương của các quốc gia liên quan. Những lá cờ vàng 3 sọc đỏ, chan hòa giữa rừng cờ Nhật hôm nay chính là biểu hiện của ý chí liên đới đó. Giáo sư Tonooka, bộ óc tham mưu chủ đạo của đoàn biểu tình, đồng thời cũng là người bạn sát cánh cùng công cuộc vận động dân chủ hóa Việt Nam từ những bước tiên phong khời đầu đã làm đoàn người xúc động khi nhìn vào cờ vàng mà phát biểu: "Đây là lá cờ của nước Việt Nam Cộng Hòa đã bị mất tên. Những người Việt tha hương dù đã mất nước nhưng ngọn cờ mà họ dương cao trong cuộc biểu tình hôm nay đã cho người Nhật chúng ta một bài học cảnh giác trước các hiểm họa xâm lăng."
    Đi giữa tiếng reo hò mà không ai khỏi xốn xang, nửa xúc động vì đã được thét to biết bao khát khao trong lồng ngực theo từng nhịp hô đều, còn nửa kia chính là sự ngậm ngùi thương vay cho các nhà đấu tranh dân chủ trong nước đang phải sống trong một hoàn cảnh mà những lời nói bị xem là nhạy cảm đã bị kiểm soát đến từng dấu chấm phẩy. Tại sao thế nhỉ? Tại sao mà tại các nước được tự do biểu tình như thế này thường là những nước giàu mạnh tiên tiến, còn các nước sợ hãi biểu tình, tìm mọi cách trấn áp khóa họng người dân thì chỉ xếp đầu bảng trong danh sách lạc hậu và ma mãnh. Người Nhật nổi tiếng trầm lặng và chịu đựng. Tuy nhiên cuộc biểu tình này đã toát lên ý nghĩa "tức nước vỡ bờ", lòng tự trọng Võ sĩ đạo đã không cho phép họ im lặng hơn nữa khi biển đảo Tổ quốc lung lay. Điều hãnh diện lớn nhất của người dân đất nước dân chủ là chính phủ của họ đang lắng nghe từng động tĩnh của dư luận để phản ánh theo từng câu chữ trong các qui định, luật lệ mang đầy dân ý. Tối thiểu chăng nữa, quyền bày tỏ lập trường chính kiến của tất cả người dân đã được tôn trọng gần như tuyệt đối.
    Lộ trình biểu tình băng qua những tuyến đường quan trọng của thành phố và ga Yokohama dưới sự bảo vệ an toàn giao thông của các lực lượng cảnh sát đặc phái từ các tỉnh khác đến để tăng cường an ninh cho hội nghị thượng đỉnh đang diễn. Ở bất cứ nơi nào, đoàn người cũng nhận được các ánh mắt bày tỏ lòng ngưỡng mộ, thậm chí cũng đã có rất nhiều người Nhật nói to lời cảm tạ. Họ biết ơn có lẽ vì các khẩu hiệu được hô vang trời đã thay họ nói lên uất ức trước hành động hạ cấp của Bắc Kinh để qua đó thúc giục chính phủ Nhật Bản phải mạnh dạn trong đàm phán. Hơn thế nữa, sự xuống đường này đã thổi nhen ánh lửa của ý chí quật cường vốn có trong huyết quản nhưng đang phải dằn nén vì cuộc sống bộn bề, xuôi ngược. Một số người không tránh khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy cờ vàng. Cũng dễ hiểu thôi, bởi vì từ hằng chục năm nay họ chưa nhìn thấy lại bao giờ. Chính sự ngạc nhiên này là một kết quả phái sinh của cuộc biểu tình này. Sự ngạc nhiên bao giờ cũng là khởi điểm thú vị của một quá trình suy tư sau đó. Khi hiểu ra ý nghĩa của cờ vàng và của việc dương cao cờ vàng, người Nhật sẽ thông cảm sâu sắc hơn với tiến trình vận động dân chủ Việt Nam.
    Khoảng mấy chục người khiếm thính cũng đã hăng hái biểu tình. Dù không nghe, không hô được khẩu hiệu và khuyết tật thân thể đã tạo ra một số hạn chế khi tham gia, nhưng tất cả đều tuần hành trật tự và nghiêm chỉnh. Sự có mặt của họ đã thể hiện mạnh mẽ rằng tại quốc gia này, quyền bày tỏ tư tưởng đã được phổ cập thực sự sâu rộng đến mọi tầng lớp. Riêng về phần hô hoán thì mọi người đều đồng ý rằng "Một ngón tay cũng không nhân nhượng" là khẩu hiệu ấn tượng nhất, ý nói 1 tấc đất cũng không nhường cho Trung Quốc. Phải chi mà người Việt Nam trên khắp đất nước được dõng dạc hô to như vầy thì làm sao mà Bản Giốc, Nam Quan, rồi Hoàng Sa và Trường Sa có thể vào tay giặc Tàu!
    Cách đó không xa, trong tòa nhà hội nghị cao tầng tại Sakuragicho, các nguyên thủ đang bắt đầu phần thảo luận trước khi chung quyết hiến chương "Tầm nhìn Yokohama" do chính phủ Nhật Bản khởi soạn. Hiến chương này sau đó được đánh giá là chưa đưa ra được các tiêu chí và hạng mục cụ thể tương xứng với tầm mức hợp tác cần phải đạt được của hội nghị. Nguyên nhân chính vẫn là mâu thuẫn quyền lợi giữa các nước còn tồn đọng quá nhiều trước khi đi đến thỏa thuận, trong đó không thể nào bỏ qua các giằng co ngấm ngầm về ngoại giao và chủ quyền lãnh thổ. Cuộc biểu tình này, do đó vừa tạo sức ép lên chính quyền đương nhiệm, vừa là chứng cứ mạnh mẽ để Nhật Bản bày tỏ lập trường về biển đảo của mình trên bàn hội nghị để từ đó triển khai các luận cứ chính trị đến đối phương. Biểu tình chưa phải là hành động nhưng là chỉ dấu của hành động, nhiều khi còn là thước đo dự đoán cường độ của hành động đó. So sánh với hành vi đập phá, đốt nhà mang tính bạo lực được chính quyền Bắc Kinh cho phép tại một số địa điểm trong Hoa Lục thì cuộc biểu tình này diễn ra trong ôn hòa tự chế, mang đầy phong cách Nhật Bản: lịch sự và kỷ luật, đã thể hiện tính chất bất bạo động luôn thấy trong cách thức giải quyết vấn đề theo hướng ngoại giao đối thoại của quốc gia này.
    Từ công viên Tanmachi nằm chệch về phía Tây Bắc trung tâm thành phố, đoàn người dần tiến ra khu cảng biển phía Đông nơi đang diễn ra hội nghị. Tiếng hô vang dậy đã được những cơn gió cảng thổi bốc cuộn lên cao trời. Cầm chắc quốc kỳ trong tay, người Nhật cũng như Việt ai nấy đều tin rằng tiếng hô của mình chắc chắn đã để lại một dấu ấn trên đoạn đường đi qua.Cuộc biểu tình này có thể được xem là cơ hội biểu dương lòng yêu nước và tự hào dân tộc đồng thời cũng là một cách thế thể hiện lẽ sống: nói lên những điều cần nói. Cuộc sống nếu được ví như một chuyến đi, một hành trình thì điều ý nghĩa nhất sẽ là gì? Phải chăng là những dấu chân vinh dự mà chúng ta đã đi qua và để lại trên cuộc đời này. Trong ý nghĩa đó, những bước chân hăm hở trên đường phố cảng chiều nay đã để lại biết bao điều khó quên, tô đẹp từng lòng người tham dự. Khi tham gia cùng bạn Nhật cũng là dịp chúng ta học hỏi được những khác biệt trong phương pháp tổ chức cũng như cách thức biểu hiện. Trầm tĩnh nhưng cương quyết, ôn hòa nhưng kiên trì là những ưu điểm trong tính cách của bạn mà ta cần học hỏi để bổ sung vào lòng nhiệt thành và óc linh động của người Việt chúng ta. Rất nhiều người Nhật đã mang cờ vàng trên người trong suốt hành trình. Một khi đã cảm thông được mục đích của nhau, con người dễ dàng vượt qua các rào cản dị biệt để có thể chia sẻ và đến gần nhau hơn. Thế giới đang trong xu hướng toàn cầu hóa nhanh chóng. tận dụng xu thế này để giải quyết bài toán dân chủ hóa nước nhà đã trở nên một điều kiện ắt có. Để giải quyết vấn đề kinh tế trì trệ trong nước hiện nay, Việt Nam đã trở thành một bạn hàng quan trọng của Nhật Bản. Về mặt biểu kiến, Nhật bản cần đến Việt Nam như một điểm tựa để giải tỏa áp lực bài Nhật của Trung Quốc. Thế nhưng trong thâm tâm, khi nghĩ đến nhân quyền hoặc tự do tôn giáo, tự do báo chí, ngôn luận và nhiều giá trị tinh thần khác, không một người dân Nhật nào có thể chấp nhận lối hành xử dã man, kém cõi văn minh của chính quyền Việt Nam hiện nay. Cuộc biểu tình này là cơ hội kéo người Nhật lại gần với những giá trị mà chúng ta cần chia sẻ với họ. Vì thế, hình ảnh của những bạn Nhật với cờ vàng trong tay vừa là kết quả của nổ lực vận động cũng vừa là một minh chứng cho sự trở về thắng thế của lương tri con người.
    Viết đến đây, chợt nhớ đến lời bạt nao lòng trong những trang cuối của biên khảo TODAI MONOGATARI "Chuyện ngọn hải đăng" do giáo sư Tonooka biên soạn để viết về những nổ lực kiên trì âm thầm giữ đảo Senkaku của Tổng đoàn Thanh niên Nhật Bản: "Hình như số phận của tất cả những con người biết nói lên chủ trương đường lối đều được ví như một chiến hạm đang chìm dần dưới mưa bom mà vẫn huy động tất cả đội hình để dàn quân chịu trận. Toàn thể chiến hạm đó chẳng thể nào chấp nhận một giải pháp thoát thân hèn mọn." Ông xuất bản sách vào tháng 4, 2010, 5 tháng sau đó thì xảy ra vụ đâm tàu. Senkaku đúng như ông tiên liệu đã trở thành "mặt trận" tranh chấp ngoại giao hực lửa. Và cũng một lần nữa những con người biết nói lên chủ trương đường lối đó lại tề tựu về phố cảng nơi đây để "dàn quân chịu trận". Công viên, đường phố lại êm đềm sau khi đoàn người chia tay tản mác. Gió chiều thổi lốc đám lá vàng tung xác. Về với đất, lá trở thành phân xanh cho những mùa sau tựa như tiếng hò reo của rừng người ban nãy dù đã tan vào thu không xa xăm nhưng dư âm mà nó để lại đang làm nên một phố cảng dậy lòng.
Nguyễn văn Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét