Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Mấy nét đổi thay của Văn nghệ Nhật Bản sau thảm họa


    Trận động đất kinh hoàng ngày 11/3 vừa qua không chỉ gây nên các thiệt hại vật chất nặng nề vào khoảng hơn 20 nghìn tỷ yên và phải mất nhiều năm mới khôi phục lại được. Những làng cá sung túc hiền hòa nằm ôm ấp trên những dải biển ven bờ Thái Bình, nơi mà 2 dòng biển nóng lạnh Kuroshio và Oyashio giao nhau tạo nên một ngư trường phong phú trong phút chốc đã tan tành, đổ nát vì sóng thần cuốn nhà trôi xuống biển, thuyền ngược lên bờ!
Những đồng lúa cận duyên nằm ven quốc lộ 9, nơi hằng năm cho ra đời những tấn lúa dẻo thơm mà chưa có một quốc gia nào trên thế giới có thể gieo trồng được nặng hạt như thế, giờ đây đã xác xơ ngập ngụa bùn mặn và rác rưởi.
Ta về trùm nỗi âm u
Nghe đâu đây mọc ngàn thu úa vàng
Bao năm thân phận hỗn mang
Một quê hương đó trăm ngàn mộ bia.
    Arakawa Yoji (1949~) nhà thơ đương đại Nhật Bản mới đây đã phát biểu: "Khó có thể diễn đạt thiên tai lần này bằng ngôn ngữ văn chương. Thơ, từ bản chất, vốn không thể dung hợp ngôn ngữ mang tính xã hội hoặc tập thể, do đó không đơn giản để có thể viết được các biểu hiện nội tâm mà chỉ có thơ mới diễn đạt được.".......Thơ ca Nhật Bản phát triển ngay sau Đệ nhị thế chiến nhìn chung được xem là một trong những chi lưu cuối của chủ nghĩa lãng mạn thể hiện sự quay lưng trước hiện thực hỗn mang thời hậu chiến. Rất nhiều nhà thơ đã không trực diện với các sự việc hằng ngày, họ miệt mài trong thế giới mênh mang của ngôn từ mang tính khái niệm do vậy mà thơ Nhật thời kỳ này thường bị chỉ trích là nặng về hình thức, thiếu sót chiều sâu. Cuộc sống đô thị hóa dồn dập cũng đã khiến cho văn học Nhật bản thiếu đi sự trở về nông thôn làng mạc nơi cha ông sinh thành để tư duy về cội nguồn bản sắc. Và giờ đây, khi tang thương ập đến, những làng cá, những cánh đồng đau đớn ấy dưới ống kính truyền thông hằng ngày được ghi chấm tọa độ và khoảng cách đã khơi dậy một ý thức "về nguồn" trong giới sáng tác nước này. Arakawa mong mỏi: " việc ghi dấu hình ảnh bản đồ miền Đông Bắc vào tâm khảm sẽ giúp nuôi dưỡng các cảm quan mang tính địa lý, đồng thời rất có thể sẽ khơi mào cho một trào lưu sáng tạo văn học mới". Tại đây, có lẽ ông muốn nhấn mạnh đến tính trực diện với hiện thực của văn học trong một tình trạng mà hằng chục năm qua, nhiều và rất nhiều người sáng tác đã tìm cánh lánh xa, trốn thoát. Hiện tượng này dường như rõ nét hơn trong Pop Culture (văn hóa đại chúng) của Nhật Bản đặc biệt là trong truyện tranh và phim hoạt họa. Yamamoto Hiroshi, nhà đạo diễn phim hoạt họa đã nhìn nhận như sau: "Trong một thời kỳ khá dài, phim truyện tranh Nhật Bản đã từ chối các đề tài liên quan đến cộng đồng xã hội, chính trị mà đỉnh điểm của nó là thập niên 2000." Tại sao như thế? Thứ nhất có lẽ do đây là một dòng văn hóa trẻ, việc quay lưng trước cuộc sống có thể được xem là thái độ tâm lý thường thấy của tuổi trẻ để gián tiếp bày tỏ sự phản cảm của mình trước các nghịch lý đời thường. Chọn lựa một tư thế cách xa trần đời còn được đánh giá như là hành động tự tôn vinh và mặc nhận năng lực vượt trội của tuổi trẻ. Lý do thứ hai để xuất hiện cao trào trốn thoát hiện thực vào thập niên 2000 này được mang đến từ sự ổn định của một xã hội đã phát triển gần mức bão hòa. Đề tài chủ yếu trong những phim hoạt họa này thường nêu lên quan hệ nam nữ trẻ tuổi trong bối cảnh của chiến tranh vũ trụ với các vũ khí và dụng cụ tin học mang màu sắc khoa học giả tưởng, chẳng hạn như câu chuyện của cô gái là một chiến sĩ phiêu lưu vào vũ trụ thường xuyên liên lạc với người bạn trai còn sót lại trên trái đất bằng điện thoại di động. Đó là các cuộc chiến tranh không duyên cớ, không đả động hoặc dính líu gì đến thời sự, chiến tranh chỉ để làm nền cho những đối thoại xoay quanh đôi nam nữ líu lo suốt ngày xưng hô "cậu tớ" và ríu rít những mẫu chuyện phần nhiều không liên quan đến trái đất! Tất cả dòng phim này chỉ và chỉ có thể hình thành trên một cơ sở hạ tầng công nghiệp cơ giới tin học ổn định. Và ngày định mệnh 11/3 vừa qua đã phá vỡ nền tảng đó. Yamamoto bày tỏ những tiên đoán về thế hệ sáng tác của mình: "Phim hoạt họa ngày nay đã tỏ ra bất lực trước nỗi đau do thiên tai vừa qua gây ra. Và những đau đớn mà chúng tôi cảm nhận được hôm nay sẽ để lại một chiếc bóng đậm màu trong các tác phẩm sau này. Nội dung tác phẩm chắc chắn sẽ phải đối diện với một sự thay đổi lớn lao." Sự cố lò nguyên tử, và tình trạng tê liệt sâu rộng của hạ tầng kinh tế chính là một phần của nguyên nhân thay đổi này. Thiên tai vừa qua đã làm lộ rõ những bất cập trong hệ thống công nghệ mạng, an toàn năng lượng, hệ thống phòng chống tai hoạn khẩn cấp và nhiều cơ sở hạ tầng khác vốn được coi là những tiền đề hiển nhiên trong giai đoạn dàn dựng tác phẩm. Sự lung lay chuyển đảo của tiền đề đó đã khiến cho các nhà sáng tác phải đứng trước những phương pháp đặt vấn đề mới là vì thế. Tuy nhiên, trong một ý nghĩa khác, thiên tai cũng tạo dựng một điểm mốc mới trong khuynh hướng sáng tác theo nhận định sau đây của nhà phê bình Pop Culture trẻ Azuma Hiroki :"Không chỉ riêng bên sáng tác, mà cần chú ý đến sự thay đổi phía người thưởng ngoạn. Chắc chắn họ sẽ quan tâm hơn đến những vấn đề từ hiện thực. Do đó mà giới sáng tác cũng sẽ phải thay đổi theo chiều hướng này." Mãi cho đến nay, đứng trước khối lượng thông tin đồ sộ do công nghệ mạng mang lại, rất nhiều tác giả đã không đủ thời giờ, thậm chí là sự bình tĩnh để sắp xếp những thông tin đó vào trong một tác phẩm chỉn chu có diện mạo mang tính thời đại, vì thế phần nhiều nội dung đã phản ảnh một tình trạng "khó tiêu" do sự nhồi nhét dữ kiện mà hoàn toàn không để ý đến các nhu cầu nội tâm của người xem. Văn nghệ đại chúng có thể đã không thoát khỏi hấp lực của thứ món quà giải trí, một thứ "mì ăn liền" tinh thần. Azuma đã ám chỉ rằng điểm tạm dừng lại của nền văn nghệ hôm nay sẽ là dịp để nhà sáng tác nhận ra sứ mệnh của mình từ đó mà tăng cường hơn nữa tính thông điệp của tác phẩm qua tuyên bố sau đây của anh: "tác phẩm cần phải mạnh dạn nêu lên những đòi hỏi của xã hội".
    Hẳn chúng ta còn nhớ hình ảnh của cụ già đi lục bới từng đống đổ vụn tại làng cá Sanriku được truyền hình chiếu nhiều lần vào ngày 18 tháng 3. Tay cụ cầm tấm ảnh của đứa cháu gái ở tuổi ấu thơ chưa cắp sách đến trường. Mãi một tháng sau, khi lần mò tới được ngôi nhà quen thuộc mà mình muốn đến thì nhà đã lún sụp tan tành. Giữa thê lương hoang tàn, giữa đổ vỡ của tất cả mọi công trình do con người kiến tạo đó, chỉ còn lại một cây mơ nhỏ bé trồng nhân dịp cháu gái chào đời đang đơm bông trong giá lạnh tàn Đông. Iwaya Kunio, nhà bình luận mỹ thuật đã bị hình ảnh bi tráng của cây mơ này thôi thúc khôn nguôi trong khi ông đang chuẩn bị cho cuộc triển lãm nghệ thuật nổi tiếng nhất hiện nay tại Nhật Bản với chủ đề "Rừng và Nghệ thuật", Ông nói: "Cây mơ đó là hiện thân của tự nhiên có sức mạnh kiên cường, khôn nguôi biến chuyển giữa sinh thành và hủy diệt, được thể hiện dưới những dạng tướng không ngờ, không tên và vô nghĩa. Con người từ nguyên thủy cũng là tự nhiên, thế nhưng không hiểu vì sao bằng mọi cách lại cứ muốn dựng ra một tự nhiên để điều khiển và chi phối". Trận động đất và sóng thần vừa qua, một lần nữa khẳng định uy thế tuyệt đối đó của tự nhiên để con người tái xác định rằng mình cũng là một bộ phận của tự nhiên. Cây mơ trên đây nếu được xem là dấu hiệu của hy vọng, thì đó cũng là kết quả của thao tác tự hòa nhập mình vào cộng đồng tự nhiên của con người. Tự buổi hồng hoang, cuộc sống nơi vườn địa đàng giữa ngàn cây bụi cỏ, con người gắn bó chan hòa với tự nhiên. Thế rồi sau khi ăn Trái cấm nhận ra sự khác biệt, bị đuổi ra khỏi vườn xưa để canh tác trồng trọt rồi xây dựng những đô thành, bắt đầu cho cuộc sống "văn minh". Để "phát triển" con người miệt mài chặt phá cây rừng dựng nhà, đốt rẫy và văn minh bỗng chốc trở nên một tiến trình đối lập không ngừng nghỉ với các giá trị cố hữu của tự nhiên bằng các hành vi điểu khiển và chi phối mà con người thường cho đó là sự chinh phục cần thiết để sinh tồn. Nghệ thuật, nếu hiểu theo một ý nghĩa nào đó chính là sự phản tỉnh, đúng hơn, còn có thể gọi là biểu hiện của lòng sám hối trước hành vi ô trọc đó của loài người đối với tự nhiên. Cỏ cây, hoa lá, suối nước trong lành, trời xanh mây trắng, những nàng tiên, những nụ cười trẻ thơ.... có mặt trong rất nhiều tác phẩm chính là biểu hiện của nỗi khát khao tìm về cội rễ xa xưa, ở đó, con người thanh bình êm thắm trong vòng tay bao dung ân sủng của người mẹ tự nhiên. Thiên tai vừa qua còn có thể được xem là một trong những thái độ của tự nhiên đối với cuộc sống văn minh này, chính nhờ những thái độ khác nhau qua đời đời kiếp kiếp này mà loài người chúng ta biết đến sức mạnh của nước, của lửa, biết đêm, biết ngày, biết thời gian, biết không gian, và rồi, biết đến một cành hoa mơ bồi hồi xốn xang vươn lên từ gạch vụn.
    Đồng thời với phong trào tìm về hiện thực của văn học, các ngành nghệ thuật khác của Nhật Bản cũng đang dấy lên sôi động một xu hướng về nguồn. Một vùng quê tan nát trong phút chốc để mỗi chúng ta cảm nhận rõ ràng về đời sống phù du. Đối mặt sát sao với đời sống để chỉ có thể nhận thêm ra những chấm phá phù du khác của cuộc lữ trên trần thế này, nhưng dẫu sao, cũng là một cách thế cần thiết, đồng thời vừa là nghĩa vụ của một sinh vật được sinh ra, đi đứng, hít thở và hai chân gắn bó với hành tinh này kể từ khi chập chững. Từng bước, từng bước, tìm về tự nhiên để bớt đi những lạc lõng hãi hùng trước mỗi cơn thịnh nộ của đất trời. Ý thức về sự nhỏ bé của kiếp người, vì thế là một ý thức của đại trí trong nhà Phật, của cứu rỗi trong Phúc âm.
Từng cái chết
Dẫn ra từ bóng tối
Mặt đất uy nghiêm
Minh bạch
Nhân từ**
TRẦN THỊ THU HỒNG

-------------------------------------------------------
*thơ Nguyễn Đông Giang
**thơ Mai văn Phấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét